Người làm nghề bảo vệ chuyên nghiệp có trách nhiệm giữ gìn an ninh trật tự cho khách hàng, phải rèn luyện để có những phẩm chất đáp ứng những yêu cầu của nghề bảo vệ chuyên nghiệp. Những phẩm chất đó là: trung thực; tinh thần kỷ luật cao; tận tụy bền bỉ; dũng cảm, kiên quyết; mưu trí, sáng tạo; yêu nghề, có chí tiến thủ cao.
1. Trung thực là không gian dối, quanh co, không làm những việc bất chính như trộm cắp, không làm điều gì trái với đạo đức, lương tâm của bản thân, không bao che những hành động sai trái, báo cáo đúng sự thật, ghi chép đầy đủ, chính xác, minh bạch. Người thật thà là người nghĩ gì nói nấy, không có tâm địa xấu, không dùng thủ đoạn, mưu kế để hại người khác.
2. Tinh Thần Kỷ Luật Cao:
Là chấp hành nghiêm túc Pháp luật, nội quy, quy định, mệnh lệnh của cấp trên. Tính kỷ luật cao còn biểu hiện ở việc chấp hành nghiêm túc nội quy của Công ty, của khách hàng, đôn đốc, tuyên truyền để những người xung quanh thực hiện đúng các điều khoản của nội quy và các quy định khác. Trong công tác bảo vệ chuyên nghiệp phải coi Pháp luật, nội quy và các quy định là cơ sở pháp lý, điều kiện tốt để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Người có tính kỷ luật cao là người thực hiện nghiêm túc kế hoạch công tác đã vạch ra, làm việc theo đúng quy trình, quy định, phối hợp với đồng nghiệp, tôn trọng tập thể.
3. Tận Tụy, Bền Bỉ:
Tận tụy là hết lòng, hết sức với công việc, không ngại khó khăn vất vả. Người tận tụy là người khi làm việc tập trung hết mọi chú ý, ý chí, đầu tư hiểu biết cho công việc, không bị phân tán sự chú ý, không nghĩ đến việc khác, tìm mọi cách để hoàn thành nhiệm vụ được giao (người tận tụy không thể ngủ gật khi canh gác ở mục tiêu, không làm việc riêng hoặc đi khỏi vị trí được phân công…).
Bền bỉ là khả năng chịu đựng khó khăn, nặng nhọc lâu dài, người tận tụy với công việc mới có khả năng chịu được khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Thật vậy, khi trời nắng gắt hoặc những lúc mưa to, gió bão, không tận tụy với công việc đã chọn thì không thể hoàn thành một việc nhỏ nào. Công việc bảo vệ luôn va chạm với người khác, nhất là những người cần phải khám xét khi qua cổng, những người làm sai quy chế, quy định của Chủ quản.
4. Dũng Cảm, Kiên Quyết:
Dũng cảm là phẩm chất bộc lộ khi người làm nghề bảo vệ gặp phải những nguy hiểm đe dọa đến tính mạng của bản thân mình hoặc phải hy sinh quyền lợi quan trọng nào đó của bản thân để thực hiện những hành động để giải quyết tình huống nguy hiểm đó.
Nhân viên bảo vệ quên mình chữa cháy khi có sự cố tại mục tiêu bảo vệ có thể bị bỏng, bị chết do ngọn lửa, bị chấn thương, bị khói làm ngạt thở không kịp ra khi xông vào cứu người, cứu tài sản trong đám cháy. Người nhân viên đó đã thể hiện lòng dũng cảm của mình và hành động đó gọi là hành động dũng cảm.
Dũng cảm khi đã biết trước những nguy hiểm nếu mình làm việc đó, khi đã có cân nhắc, tính toán thiệt hơn, lợi hại, khả năng thành công và thất bại mà ra tay hành động. Hành động dũng cảm hoàn toàn xa lạ với sự “ăn may”, tức là một người không hề biết công việc mình sẽ làm là nguy hiểm nên tự hành động. Trong hành động dũng cảm có yếu tố của trí tuệ và ý chí với sự quyết đoán thể hiện bằng hành động.
Kiên quyết là phẩm chất ý chí. Thực hiện đến cùng một việc nào đó mà không lùi bước trước sự đe dọa, trước những khó khăn nguy hiểm đã trông thấy trước, đã nhận ra hoặc đã tiên liệu trước khi hành động. Người kiên quyết là người hoàn thành kế hoạch đề ra với sự kiên định mặc dù có khókhăn, trở ngại lớn.
Đối với người bảo vệ chuyên nghiệp, dũng cảm và kiên quyết luôn là hai phẩm chất cùng xuất hiện khi giải quyết công việc, khi gặp những tình huống đặc biệt (cháy nổ, gây rối tại mục tiêu, phá hoại, mất tài sản …).
5. Mưu Trí, Sáng Tạo:
Mưu trí là người khi xảy ra những tình huống phức tạp, nguy hiểm sớm tìm ra biện pháp hay nhất giải quyết có hiệu quả. Trong ngôn ngữ thông thường, dân gian gọi “mưu trí” là sự khôn khéo. Nếu mưu trí là nói đến trí khôn, sự khôn khéo của ai đó trong một hoàn cảnh cụ thể thì sáng tạo là phẩm chất được hình thành và thể hiện qua quá trình hoạt động lâu dài như là thuộc tính của một người hay một cộng đồng người.
Sáng tạo là không lập lại những gì đã có mà tạo ra cái mới hoặc làm theo cách mới đẹp hơn, tốt hơn (nói chung là mới hơn), với phương pháp thì rẻ hơn, ngắn hơn về thời gian hoặc ít chi phí nguyên, vật liệu hơn.
Người có sáng tạo là người không bị gò bó bởi khuôn mẫu, kinh nghiệm cũ, luôn tìm tòi cách làm mới để có sản phẩm hoặc kết quả mới tốt hơn cũ.
6. Yêu Nghề, Có Chí Tiến Thủ Cao:
Yêu nghề khi đã chọn làm nghề bảo vệ chuyên nghiệp là công việc chuyên môn thì tận tâm tận lực, tìm thấy trong hoạt động BVCN có những niềm vui, những khám phá mới mẻ và gắn bó lâu dài với nghề. Chỉ có gắn bó với công việc bảo vệ và coi đó là nghề nghiệp mới có ý chí vươn lên những nấc thang chuyên môn cao hơn. Chí tiến thủ là hoài bão, là sự mong ước đạt đến trình độ nghề nghiệp cao và thỏa mãn ước mong khi đạt được một sự tiến bộ, một sự phát triển nào đó.
Người khi yêu nghề, khi mong ước đạt được một mục đích nào đó sẽ làm cho họ tự rèn luyện, tự tu dưỡng mình để có một sự hoàn chỉnh về tay nghề, về tư tưởng, về nhân cách từ đó thấy được ý nghĩa cuộc sống mà yêu đời hơn, tự tin hơn.
Thứ 2 - Chủ nhật: 8.00 am to 10.30pm
+84 766713713
info@baoveanhhao.vn